Độc lập và Malaysia Ketuanan_Melayu

Độc lập và Hiến pháp

Liên bang Malaya chính thức độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1957. Hiến pháp của quốc gia mới gồm các điều khoản, như Điều 153, đảm bảo người Mã Lai có các đặc quyền nhất định, một loại đãi ngộ ưu đãi. Ủy ban Reid là cơ quan soạn thảo Hiến pháp, thế chế này phát biểu rằng Điều 153 có tính chất tạm thời, và cần phải được Quốc hội tái xét 15 năm sau độc lập.[46] Tuy vậy, trong hiến pháp không trình bày rõ ràng về điều này, cũng không làm rõ mục đích của Điều 153. Hiến pháp tuyên bố rằng toàn bộ người Malaya bình đẳng theo luật pháp, không đề cập đến "quyền tối thượng Mã Lai" hoặc bất kỳ tư tưởng nào có liên hệ với ketuanan Melayu. Quyền công dân được cấp cho bất cứ ai sinh tại Liên bang, song không được hồi tố; đây là một nhượng bộ lớn của người Mã Lai, cộng đồng từng vận động mạnh mẽ nhằm chống quyền công dân jus soli trong Liên hiệp Malaya.[47]

Trên phương diện khác, ngôn ngữ Mã LaiHồi giáo trở thành ngôn ngữ quốc gia và tôn giáo chính thức, các quân chủ Mã Lai được tại vị. Điều này được thực hiện nhằm mục đích khiến người Mã Lai được tôn trọng với vị thế cộng đồng mang tính quyết định của Malaya, và trong cách nhìn nhận của nhiều người là trao cho Malaya một bản sắc Mã Lai.[48] Một học giả cho rằng "Người Mã Lai có một cảm giác ăn sâu rằng riêng họ là người bumiputra, những người con của đất, và do vậy có quyền lợi đặc thù nhất định đối với lãnh thổ." Tunku Abdul Rahman từng nói vào năm 1964 rằng "mọi người đều hiểu rằng quốc gia này theo ngay tên của nó, truyền thống và đặc tính của nó, là Mã Lai.... Tại bất kỳ quốc gia nào khác, nơi những ngoại kiều cố gắng chi phối kinh tế và các lĩnh vực khác, cuối cùng sẽ là phản đối gay gắt từ người bản địa. Tuy nhiên, điều này không đúng với người Mã Lai. Do đó, đổi lại, họ cần phải đánh giá đúng vị thế của người Mã Lai..."[34] Có ý kiến cho rằng một dân tộc Malaysia sẽ không xuất hiện do "toàn bộ các tượng trưng quốc gia tại Malaysia đều bắt nguồn từ truyền thống Mã Lai".[49]

Hạn chế hiến pháp về quy mô các khu vực bầu cử quốc hội nông thôn sau đó được loại bỏ, tạo ra điều mà một nhà bình luận gọi là "một trụ cột gián tiếp" cho đặc quyền của người Mã Lai; do người Mã Lai tập trung tại các khu vực nông thôn, điều này gián tiếp tăng cường quyền lực chính trị của người Mã Lai. Hiến pháp nguyên bản hoàn toàn tuân theo phổ thông đầu phiếu, cải biến được tuyên bố là "trao cho mỗi người một phiếu, một số phiếu khác: được nói là không dựa trên năng lực tri thức hoặc bất thường địa lý, mà nhằm đảm bảo sự thống trị của một nhóm cụ thể."[50]

Các điều khoản hiến pháp được gọi là "Nghị trình người Mã Lai" chỉ tạo ra ít cảm tình bất mãn từ các dân tộc phi Mã Lai, mặc dù hầu hết trong số họ giành được quyền công dân và do đó về lý thuyết được bình đẳng với các công dân người Mã Lai theo hiến pháp. Điều này có thể được quy là sự chấp thuận đối với khế ước xã hội, một sử gia viết rằng: "Tại cấp thượng lưu, những người phi Mã Lai công nhận rằng người Mã Lai có địa vị chính trị cao hơn do địa vị bản địa của họ và rằng chính thể Malaysia sẽ có một đặc tính Mã Lai... Người Mã Lai sẽ được đảm bảo đa số an toàn trong cả nghị viện cấp bang và liên bang... Người Mã Lai sẽ kiểm soát các chức vụ cao nhất trong chính phủ và... các thành viên chiếm ưu thế trong nội các liên bang." Một sử gia Mã Lai viết rằng "Đổi lại người Hoa giành được nhiều hơn những điều mà người Hoa hải ngoại tại Đông Nam Á mộng tưởng — quyền công dân bình đẳng, tham gia chính trị và giữ các chức vụ công vụ, cơ hội kinh tế nguyên vẹn, khoan dung đối với các thể chế ngôn ngữ, tôn giáo, và văn hóa của họ."[51]

Một số bày tỏ bất an về Điều 153; ngay trước khi độc lập Trung Quốc báo viết rằng trong khi đặc quyền "có thể dung thứ được khi bắt đầu kiến thiết một quốc gia," song nếu "thời kỳ 'đặc quyền' không bị hạn chế, hoặc mục đích của đặc quyền không được xác định rõ ràng, thì tranh chấp không ngừng... sẽ phát sinh về sau," và kết luận rằng đặc quyền cuối cùng sẽ phân liệt thay vì thống nhất người Malaya.[52] Tuy thế, vào thời điểm độc lập, một số sử gia khẳng định "có một cảm giác chân thực về quyền công dân chung, nguyện vọng chung, và một vận mệnh chung."[53].

Hợp nhất

Năm 1961, khi chính phủ Malaya bắt đầu thảo luận về khả năng hợp nhất với các lãnh thổ lân cận Singapore, Sabah, SarawakBrunei, các vấn đề về quan hệ quyền lực dân tộc lại nổi lên. Đề xuất "Malaysia" không bao gồm Sabah và Sarawak đã có từ hơn một thập niên; song các đàm phán trước đó không có kết quả. Bản thân người Singapore không khao khát được cai trị bởi một thế chế mà học nhận định là một chính phủ của người Mã Lai.[54] Tuy nhiên, đến năm 1961, Singapore dần tiếp thu ý tưởng về vấn đề gia nhập Malaysia, phần lớn là do tư tưởng phổ biến đương thời rằng Singapore công nghiệp hóa không thể tồn tại mà không được tiếp cận thị trường Malaya.[55]

Chính phủ Malaya không thiết tha với việc có thêm cư dân người Hoa Singapore, họ sẽ đẩy người Mã Lai xuống địa vị thiểu số trong Malaysia mới. Nhiều người Mã Lai cảm thấy rằng để mất tính chất chi phối của người Mã Lai trong quân đội và cảnh sát sẽ đặt họ vào một tình huống nguy hiếm. Cũng có lập luận rằng vị thế kinh tế thấp kém của người Mã Lai sẽ càng rõ nét khi tiếp nhận một cộng đồng người Hoa còn giàu có hơn, gây nên bất mãn lớn.[56] Người Malaya quyết định giải quyết điều này bằng cách hợp nhất với Sabah và Sarawak; cả hai đều là thuộc địa của Anh và có một lượng lớn cư dân bản địa được chính phủ nhận định là người "Mã Lai". Tuy nhiên, theo Điều 160 của Hiến pháp; hầu hết họ không phải là người Mã Lai; các cư dân bản địa chủ yếu theo thuyết vật linh hoặc Cơ Đốc giáo thay vì Hồi giáo như yêu cầu trong Hiến pháp. Nhằm giải quyết vấn đề này, chính phủ mở rộng định nghĩa chính thức của người "Mã Lai" nhằm bao gồm những cộng đồng này.[57]

Người Sabah và Sarawak không nhận thấy họ được hưởng lợi từ việc hợp nhất này. Nhiều người xem Malaya chỉ là cho người Mã Lai, một nhóm người mà họ không thuộc về. Ám ảnh về "Malaysia" — việc bao gồm cụm từ "Malay" được cho là đáng sợ — cùng với tôn giáo chính thức là Hồi giáo và ngôn ngữ chính thức là tiếng Mã Lai, tuyệt nhiên không làm dịu những lo ngại của họ về "sự thống trị Mã Lai". Đề hợp nhất, họ khẳng định người bản địa tại Sabah và Sarawak phải được trao các đặc quyền tương tự như người Mã Lai.[58]

"Malaysia của người Malaysia!"

Trong bầu cử năm 1963 tại Singapore, Liên minh thách thức quyền thống trị của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) thông qua Đảng Liên minh Singapore. Các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tích cực vận động tại Singapore cho Đảng Liên minh Singapore, tranh luận rằng người Mã Lai Singapore bị đối xử như các công dân hạng hai dưới quyền chính phủ Đảng Hành động Nhân dân do người Hoa chi phối mặc dù bề ngoài là đa sắc tộc. Tuy nhiên, toàn bộ các ứng cử viên người Mã Lai được Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất ủng hộ đều thất cử trước Đảng Hành động Nhân dân. Các chính trị gia của Đảng Hành động Nhân dân nhìn nhận điều này là một sự phản bội thỏa thuận trước đó với Liên minh rằng hai bên không tranh cử tại Malaya và Singapore (tương ứng), do vậy họ quyết định tranh cử tại đại lục trong tổng tuyển cử năm 1964. Mặc dù Đảng Hành động Nhân dân thu hút đông quần chúng trong các cuộc tập hợp của mình, song họ chỉ giành được 1 ghế — đó là Devan Nair đại diện cho khu vực bầu cử Bangsar. Một số sử gia cho rằng do Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Công hội người Hoa Malaysia Trần Tu Tín (陈修信) kêu gọi người Hoa tránh thách thức các quyền lợi đặc thù của người Mã Lai và nguy cơ hợp nhất với Indonesia, giúp Công hội người Hoa Malaysia duy trì vị thế là "lãnh đạo không bị tranh chấp của người Hoa tại bán đảo Mã Lai.[59] Tuy thế, các lãnh đạo Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất giận dữ với Đảng Hành động Nhân dân.[60][61]

Lý Quang Diệu là lãnh đạo trong chính phủ Singapore, ông công khai phản đối ketuanan Melayu, và truyền bá tư tưởng của mình về một "Malaysia của người Malaysia".

Các vấn đề mới nhanh chóng nảy sinh. Lãnh đạo chính phủ Singapore và Đảng Hành động Nhân dân là Lý Quang Diệu tuyên bố phản đối công khai của ông với ketuanan Melayu, kêu gọi về một "Malaysia của người Malaysia" thay vì mặc nhiên Malaysia của người Mã Lai.[43] Ông lý luận rằng "Người Mã Lai bắt đầu nhập cư đến Malaysia với số lượng đáng kể chỉ từ 700 năm trước. Trong số người Mã Lai chiếm 39% cư dân Malaysia hiện nay, khoảng một phần ba là những người nhập cư tương đối gần đây như Syed Jaafar Albar, họ đến Malaya từ Indonesia ngay trước chiến tranh ở độ tuổi trên ba mươi. Do đó sẽ là sai lầm và vô lý khi cho một dân tộc cụ thể nghĩ rằng họ phù hợp hơn để được gọi là người Malaysia và rằng những người khác có thể trở thành người Malaysia chỉ nhờ ân huệ của họ."[62]

Lý Quang Diệu sau đó than thở: "Malaysia - thuộc về ai? về người Malaysia. Tuy nhiên ai là người Malaysia? Tôi hy vọng có tôi, thưa ngài Bộ trưởng. Tuy nhiên đôi khi, ngồi trong phòng này, tôi hồ nghi bản thân có được phép làm một người Malaysia hay không. Đây là hồ nghi treo trong lòng nhiều người, và... [một khi] các cảm xúc chuyển thành hành động, và người với người đấu tranh theo những ranh giới hiểu ngầm này, ngài sẽ có một kiểu chiến tranh sẽ làm phân liệt quốc gia từ trên xuống dưới và phá hủy Malaysia."[63] Tuy nhiên, có lúc Lý Quang Diệu làm cho mọi thứ tệ hơn khi có các bình luận chủng tộc. Nhiều phát biểu của ông lập lại về thành phần dân tộc của Malaysia, nhắc nhở thính giả rằng người phi Mã Lai hiện chiếm đa số, với 61% dân số so với 39% của người Mã Lai, một lần ông đặt câu hỏi "Tại sao chúng ta cần phải trở lại Singapore cũ và một lần nữa lại giáng người phi Mã Lai tại Malaya thành thiểu số?"[64] Lý Quang Diệu làm xấu đi quan hệ Đảng Hành động Nhân dân-Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất khi liên tục yêu cầu rằng chính phủ liên bang nghiêm khắc đả kích những kẻ cực đoan chủng tộc, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo nổi bật của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất như Syed Jaafar AlbarSyed Nasir Ismail.[65][66]

Những phát biểu của Lý Quang Diệu khiến nhiều người khó chịu, đặc biệt là các chính trị gia trong Liên minh. Trần Tu Tín gọi ông là "kẻ nhiễu loạn lớn nhất trong lịch sử Malaysia và Malaya."[67] Tunku Abdul Rahman nhận định Lý Quang Diệu có quan điểm cực đoan, trong khi các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất khác cho rằng Lý Quang Diệu chỉ đơn giản là dùng ngôn luận nhằm để khích động người Hoa Malaysia.[68] Phát biểu của Lý Quang Diệu về điều được cho là sự nhập cư gần đây của người Mã Lai bị bài xích nghiêm khắc; Albar tuyên bố: "Nói rằng người Mã Lai nằm trong cùng loại như các sắc tộc khác là một sự lăng mạ..." Báo Malaya Merdeka của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cảnh báo: "Nếu người Mã Lai phải chịu áp lực lớn và lợi ích của họ không được bảo vệ," họ sẽ hợp nhất Malaysia với Indonesia.[69] Đây là điều mà Tunku Abdul Rahman lo ngại nhất, đối với ông thì những người cực đoan chủng tộc không phải là những người cực đoan thực sự, đó là những người mưu cầu một "Đại Indonesia" nhằm "giáo huấn" người Hoa rằng tồn tại một đe dọa thực tế.[70]

Căng thẳng trong quan hệ chủng tộc dẫn đến các vụ náo loạn sắc tộc năm 1964 tại Singapore,[61] chính trị gia người Mã Lai trong Đảng Hành động Nhân dân là Othman Wok sau này ám chỉ đó là do những người cực đoan chủng tộc lập kế hoạch từ trước.[71] Vào năm sau các vụ náo loạn, căng thẳng tiếp tục gia tăng. Syed Jaafar Albar tuyên bố rằng "Bất kể tôi ở đâu, tôi là một người Mã Lai", Lý Quang Diệu đáp trả gay gắt: "Nếu tôi đi xung quanh và nói điều mà [ông ta] đã nói — Bất kể tôi ở đâu, tôi là một người Hoa — chúng tôi sẽ được đối đãi như thế nào? Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục nhắc nhở nhân dân rằng tôi là một người Malaysia. Tôi đang học Bahasa Kebangsaan [tiếng Mã Lai, quốc ngữ] và tôi chấp thuận Điều 153 của Hiến pháp."[72]

Lý Quang Diệu khẳng định rằng ông không phản đối các quyền lợi đặc thù của người Mã Lai hoặc Điều 153, nói rằng: "nếu các cộng đồng nhập cư... không nhận thức vấn đề, nếu họ không thể cảm thấy điều này giống như cảm thông cho một người Mã Lai bần cùng, vậy thì có thể nói rằng rất nhanh anh ta sẽ biểu thị sự bất mãn của mình theo một cách thức rất kiên quyết và toàn bộ quốc gia sẽ rơi vào hỗn loạn."[73] Chỉ vài người trong Liên minh cho rằng tuyên bố này là nghiêm túc. Các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất khẳng định rằng một "Malaysia của người Malaysia" bao hàm quyền bình đẳng hoàn toàn, dẫn đến thủ tiêu các đặc quyền của người Mã Lai.[74] Một bộ trưởng trong chính phủ liên bang là Senu Abdul Rahman cảm nhận việc Lý Quang Diệu đề xướng sự bình đẳng sẽ cản trở khả năng tham gia kinh tế của người Mã Lai: "Điều mà chúng ta muốn là cơ hội, cơ hội đạt được thịnh vượng kinh tế cho nhân dân chúng ta." Chỉ trích Lý Quang Diệu vì phát biểu ông tự nhiên là một người Malaysia, Senu nói: "quyền lợi mà Lý Quang Diệu có được ngày nay không từ trên trời rơi xuống. Nó được trao cho ông ta. Sao ông ta không có chút cảm xúc biết ơn với những người bản địa của quốc gia này?" Lý Quang Diệu trả lời: "Không, Tôi không được hưởng khoản đãi của bất kỳ ai. Tôi ở đây là quyền lợi của tôi. Và 61% nhân dân Malaysia có bổn phận phải bênh vực điều đó hoặc nó sẽ mất đi. Không có nó họ sẽ không có tương lai."[75] Một số người như Syed Jaafar Albar, đưa lập trường của Senu đi xa hơn và gọi người Mã Lai, với vị thế Bumiputra, như "những chủ nhà", khoản đãi của họ bị bangsa asing (ngoại kiều) hoặc orang tumpangan (người ở thuê) như Lý Quang Diệu lạm dụng. Điều này gây một phản ứng mạnh từ thành viên nội các Lâm Thụy An (林瑞安), ông khẳng định "chúng ta là cùng là chủ nhân, không có người thuê nhà, không có khách."[76][77]

Một số nhân vật đi ngược lại quan điểm chung của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất. Ismail Abdul Rahman phát biểu tại Quốc hội rằng "...cả Liên minh và Đảng Hành động Nhân dân tán thành quan điểm một Malaysia của người Malaysia," song có khác biệt trong phương pháp của họ. Ismail mô tả đặc điểm phương pháp tiếp cận của Đảng Hành động Nhân dân là "phương thức trực tiếp phi cộng đồng chủ nghĩa," trong khi Liên minh yêu cầu "hai bước. Thứ nhất là hài hòa giữa các sắc tộc; thứ hai là cuối cùng có một quốc gia phi cộng đồng chủ nghĩa." Những tuyên bố này bị Lý Quang Diệu bác bỏ vì cho là lời nói xoa dịu và không thể được thực hiện nghiêm túc trừ khi những người cực đoan chủng tộc bị kiềm chế.[78][79]

Phân tách

Lý Quang Diệu tiếp tục chiến dịch của mình, thành lập Đại hội Đoàn kết Malaysia (MSC) gồm các đảng đa sắc tộc như Đảng Hành động Nhân dân, Đảng Tiến bộ Nhân dân (PPP) và Đảng Dân chủ Liên hiệp (UDP) vào năm 1965. Trong cuộc họp toàn thể lần đầu tiên và duy nhất của MSC, một số lãnh đạo từ các đảng này phát biểu ủng hộ một Malaysia cho người Malaysia. D.R. Seenivasagam của Đảng Tiến bộ Nhân dân cáo buộc Liên minh sử dụng Điều 153 để "áp bức người phi Mã Lai", trong khi Vương Kỳ Huy (王其辉) của Đảng Nhân dân Liên hiệp Sarawak (SUPP) nói rằng "Chúng tôi nhận thấy một thái độ không khoan dung và gia tăng các dấu hiệu phủ nhận tình bình đẳng chính trị cho những người phi Mã Lai. Vì lợi ích của nước ta và bản thân chúng ta, điều này cần phải được ngưng lại... Quyền bình đẳng chính trị nên được ban cho toàn bộ những người sống tại đây và biến quốc gia này thành quê hương của họ, bất kể nguồn gốc sắc tộc của họ."[80]

Ngay sau đó, nghị viên hậu tọa của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất là Mahathir bin Mohamad công kích Lý Quang Diệu trong Quốc hội: "[người Hoa Singapore] chưa từng biết đến sự cai trị Mã Lai và không thể chịu đựng được ý tưởng rằng dân tộc mà họ từ lâu đã để dưới gót chân nay lại ở trong một vị thế cai trị họ."[81] Lý Quang Diệu đáp lại bằng một bài phát biểu không soạn sẵn bằng tiếng Mã Lai, phản đối các chính sách thân Mã Lai của chính phủ: "Đương nhiên có những triệu phú người Hoa có xe lớn và nhà lớn. Đáp án có phải là tạo ra một vài triệu phú người Mã Lai có xe lớn và nhà lớn?... Nếu chúng ta lừa dối nhân dân tin rằng họ bần cùng do họ không có các quyền lợi Mã Lai hoặc do sự phản đối của một số thành viên với quyền lợi Mã Lai, chúng ta sẽ đi đến đâu? Các bạn khiến mọi người trong làng tin rằng họ bần cùng là do chúng tôi không nói tiếng mã Lai, do chính phủ không sử dụng tiếng Mã Lai, thế là anh ta hy vọng điều thần kỳ diễn ra [khi tiếng Mã Lai trở thành quốc ngữ duy nhất]. Thời điểm tất cả chúng tôi bắt đầu nói tiếng Mã Lai, anh ta sẽ được nâng cao chất lượng sinh hoạt, và nếu điều đó không diễn ra, thì sau đó điều gì sẽ diễn ra? Trong khi đó, bất cứ khi nào có một thất bại trong các chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục, các bạn quay lại và nói rằng, ôi, do những người Hoa, người Ấn và những người khác phản đối quyền lợi Mã Lai xấu xa. Họ không phản đối các quyền lợi Mã Lai. Người Mã Lai có quyền lợi như những công dân Malaysia trong việc đạt đến trình độ đào tạo và giáo dục mà các xã hội cạnh tranh hơn, xã hội phi Mã Lai, đã tạo ra. Đó là những gì cần phải làm, chẳng phải sao? Không phải là nuôi dưỡng họ bằng học thuyết ngu dân rằng tất cả điều họ phải làm là giành quyền lợi Mã Lai có một vài người Mã Lai đặc thù và vấn đề của họ được giải quyết."[82]

Cuối cùng Tunku Abdul Rahman chán nản với tất cả vận động chính trị và tin chắc rằng bất kỳ xung đột ngôn luận hơn nữa sẽ chỉ biến thành bạo lực, ông yêu cầu Singapore thoát ly. Singapore trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1965, Lý Quang Diệu giữ chức thủ tướng.[83] Mặc dù Điều 152 trong Hiến pháp Singapore ghi rằng người Mã Lai là "dân nguyên trú" của Singapore và yêu cầu bảo vệ đặc biệt đối với quyền lợi và đặc quyền của họ, song không định rõ bất kỳ chính sách nào nhằm bảo vệ như vậy.

Sau này, một số người đổ lỗi việc thành lập Malaysia làm củng cố ketuanan Melayu: "Đúng như Ủy ban Reid có thể từng nghi ngờ, quyền lợi của người Mã Lai được tăng cường so với tình trạng bị hao mòn trước khi Malaysia thành lập 5-6 năm dựa trên một nền tảng đối xử tổng thể bất bình đẳng" sau khi hình thành Malaysia.[84]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ketuanan_Melayu http://www.aliran.com/high9902.html http://www.aliran.com/monthly/2005b/7d.html http://atimes.com/atimes/Southeast_Asia/FJ02Ae05.h... http://www.bernama.com/bernama/v3/news.php?id=1504... http://www.bernama.com/bernama/v3/printable.php?id... http://www.jeffooi.com/2006/10/equity_share_is_rac... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/the_nst_sh... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/we_are_16_... http://www.jeffooi.com/archives/2005/11/i_went_int... http://www.limkitsiang.com/archive/2000/dec00/lks0...